CFD là công cụ phức tạp và có nguy cơ gây thua lỗ nhanh chóng do đòn bẩy. Bạn nên cân nhắc kỹ liệu bạn có hiểu cách hoạt động của CFD hay không và đủ khả năng chấp nhận rủi ro mất tiền cao hay không.
    Sứ mệnh của Mitrade Insights là cung cấp thông tin kịp thời, có giá trị và đa dạng cho nhà đầu tư, giúp họ nắm bắt thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.
    2021
    Sàn giao dịch cung cấp phân tích & tin tức tốt nhất
    FxDailyInfo
    2022
    Tài nguyên đào tạo ngoại hối tốt nhất toàn cầu
    International Business Magazine

    Lending coin là gì? Những điều cần lưu ý khi lựa chọn đầu tư Lending coin

    15 Phút
    Cập nhật 23/05/2023 07:01
    Nguyen Hoang Phu

    Lending coin là một đồng tiền điện tử gắn liền với các nền tảng/giải pháp về vay và cho vay trong lĩnh vực DeFi. Việc sở hữu Lending coin, ngoài việc xem như một khoản đầu tư/đầu cơ, còn mang đến những ưu đãi cho người dùng khi sử dụng dịch vụ của giải pháp Lending đó.



    1. Tổng quan về Lending coin

    Trước khi bắt đầu với khái niệm về Lending coin, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu các giao thức/giải pháp Lending là gì, cách thức nó vận hành… để từ đó có cái nhìn trực quan hơn về dạng đồng coin này nhé.


    Các giao thức Lending trong tiền điện tử là gì?


    Lending là một thuật ngữ tiếng Anh có nghĩa là cho vay hoặc cấp tín dụng. Lending là một hoạt động tài chính quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, khi các tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu vốn để đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng hoặc thanh toán. 


    Lending có thể được thực hiện thông qua các hình thức khác nhau, như cho vay trực tiếp từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, cho vay gián tiếp qua thị trường chứng khoán hoặc trái phiếu, hoặc cho vay phi truyền thống qua các nền tảng trực tuyến như peer-to-peer lending hay crowdfunding. 


    Trong lĩnh vực tài chính truyền thống nói chung, nếu như muốn vay một khoản tiền, chúng ta có thể tìm đến các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, thế chấp tài sản và được cấp khoản vay. Trong mô hình này, một thực thế trung gian (ngân hàng, tổ chức tín dụng…) sẽ đảm nhiệm việc cho vay và giám sát khoản vay đó. Cũng với mô hình đó nhưng trong lĩnh vực điện tử, chúng ta sẽ thấy có một số điểm khác biệt thú vị.


    Trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi), nhờ tính phi tập trung của công nghệ blockchain, những người tham gia có thể thực hiện các khoản vay trên các nền tảng chuyên biệt mà không cần đến các thực thể trung gian. 


    Những nền tảng đó gọi chung là các giải pháp Lending. Tại đó, người dùng sẽ thế chấp tài sản (collateral) là các loại tiền điện tử của họ để vay các loại tiền điện tử khác như Bitcoin, các Altcoin hay stablecoin


    Top 5 các giao thức Lending lớn nhất hiện nay (Cập nhật: 23/4/2023)

    Top 5 các giao thức Lending lớn nhất hiện nay (Cập nhật: 23/4/2023). Nguồn: DefiLlama


    Dựa theo dữ liệu được ghi nhận trên nền tảng DefiLlama tại thời điểm mình viết bài này, dựa trên tổng giá trị tài sản bị khoá (TVL) một số giải pháp Lending phổ biến hiện nay như Aave (5.23 tỷ USD), JustLend (3.65 tỷ USD) hay Compound (1.91 tỷ USD)…


    Vậy Lending coin là gì?

    Lending coin là cách gọi khác cho đồng tiền điện tử được sử dụng làm phương tiện thanh toán chính trong các giải pháp Lending. Hiểu một cách đơn giản thì mỗi giao thức về Lending mà chúng ta đã nhắc đến ở trên có thể sẽ phát hành một đồng coin cho riêng mình. 


    Tuỳ từng giao thức với cách hoạt động khác nhau, các đồng coin này sẽ đóng vai trò là đồng tiền chính dùng để thanh toán phí giao dịch hoặc dùng để quản trị giao thức khi nó chuyển sang mô hình DAO (tổ chức tự trị phi tập trung). 


    Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý ở đây là không nhất thiết tất cả các giao thức Lending sẽ cần phải có đồng coin riêng của mình. Một số giao thức sẽ sử dụng đồng tiền điện tử của chuỗi chính mà nó phát triển (ví dụ ETH của Ethereum hoặc BNB của BNB Chain…) để vận hành hoạt động của giao thức. 


    Với ví dụ về các giao thức Lending kể trên, chúng ta có thể thấy một số đồng Lending coin như AAVE của giao thức Aave; COMP của Compound…


    2. Cách thức hoạt động của Lending coin là gì?

    Vì Lending coin chỉ là một yếu tố trong quy trình vận hành của các giao thức Lending. Do đó, hãy cùng tìm hiểu xem cách thức một khoản vay được diễn ra như thế nào và Lending coin sẽ được sử dụng như thế nào nhé.

    Các bên tham gia vào mô hình vay và cho vay


    Cách thức vận hành khoản vay của các nền tảng Lending. Nguồn: Cointelegraph


    Như hình trên, chúng ta có thể thấy để vận hành một lệnh vay thành công, sẽ có 3 thực thể chính sau đây:


    Người vay (Borrower): Là những người có nhu cầu vay một loại tiền điện tử bất kỳ. Họ cần phải thế chấp bằng một loại tiền điện tử khác để có thể thực hiện nhu cầu.


    Người cho vay (Lender): Là những người có tiền điện tử nhàn rỗi và họ muốn kiếm thu nhập thụ động nhờ việc cho người khác vay số tiền đó.


    Nền tảng Lending: Là các giao thức Lending kể trên có vai trò trong việc thực thi các nhu cầu của Lender và Borrower.


    Để quy trình vay và cho vay diễn ra, Lender và Borrower cần:


    Lender gửi và khoá (lock) tiền điện tử của mình vào giao thức Lending. Khi có người vay, Lender sẽ nhận được lãi suất tương ứng. Trường hợp Lender không muốn cho vay nữa, họ có thể rút tiền về bất cứ lúc nào.


    Đối với Borrower như mình đã chia sẻ ở trên, để có thể nhận được khoản vay sẽ cần phải thế chấp tài sản. Tài sản thế chấp sẽ được trả lại sau khi Borrower trả khoản vay kèm lãi.


    3. Vai trò của Lending coin trong quy trình vay và cho vay

    Trong quy trình này, một số giao thức sẽ sử dụng đồng coin gốc của mình để gia tăng lợi thế cho Borrower. Tuỳ từng giải pháp mà đồng coin gốc của họ sẽ tham gia vào các khâu khác nhau trong quy trình vay và cho vay kể trên. Như trường hợp của Aave là một ví dụ. Những người dùng nắm giữ Lending coin AAVE sẽ có thể:


    • Không bị tính phí nếu như đồng coin mà họ vay là AAVE. Thậm chí, nếu Borrower sử dụng AAVE làm tài sản thế chấp thì họ còn có thể được giảm phí hoặc xem xét vay được nhiều hơn.


    • Những Borrower có thể dùng AAVE để tiến hành trả phí thay vì dùng các loại tài sản khác. Bằng cách làm này, họ có thể nhận được ưu đãi phí tương ứng.


    • Ngoài ra, nếu Lender và Borrower nắm giữ token AAVE, họ còn có thể tham gia vào việc bỏ phiếu để thay đổi quy trình cho vay trên giao thức, thay đổi biểu phí…


    4. Ưu, nhược điểm của Lending coin

    Về cơ bản thì Lending coin vẫn mang những đặc điểm của một đồng tiền tiện tử thông thường. Tuy nhiên, dựa vào đặc tính riêng của mô hình này, Lending coin cũng mang đến một số tiện ích nhất định cho người dùng. Cụ thể:


    Ưu điểm


    • Bảo mật và thông minh: Dựa trên công nghệ blockchain, để đảm bảo rằng các giao dịch được xác nhận và bảo vệ khỏi sự can thiệp của bên thứ ba.


    • Tiết kiệm chi phí và thời gian:  Các giao dịch được xử lý nhanh chóng và hiệu quả với chi phí thấp.


    • Tiện lợi: Lending coin vừa là cầu nối, vừa là thước đo đánh giá vai trò của Lender và Borrower trong mô hình vay và cho vay trên DeFi. Như chúng ta thấy qua ví dụ về Aave ở trên, việc sở hữu token AAVE đưa đến cho người vay nhiều tiện ích hơn so với bình thường. Nếu khoản vay có giá trị lớn và thường xuyên, những ưu đãi giảm phí đó sẽ mang đến vị thế tốt hơn cho người vay.


    • Công bằng: Nắm giữ các Lending coin, người dùng có cơ hội tác động đến mô hình hoạt động của giao thức. Nó tương tự như cách chúng ta nắm giữ cổ phần của một công ty bất kỳ, khi mà tỷ lệ sở hữu đủ lớn, chúng ta có thể đóng góp ý kiến trực tiếp với ban lãnh đạo. Trong lĩnh vực DeFi, người dùng nắm giữ Lending coin có thể tham gia vào các đợt bầu cử (vote) trên giao thức.


    Giao diện vote trên giao thức Aave

    Giao diện vote trên giao thức Aave. Nguồn: Aave


    Nhược điểm


    • Giới hạn trường hợp sử dụng: Chúng ta cần phải hiểu rằng Lending coin chủ yếu phục vụ cho mục đích vận hành của giao thức. Nó giống như một loại tiền tệ chính được sử dụng bên trong giao thức đó. Nếu giao thức không đủ lớn, tỷ lệ khoản vay hoặc giải ngân thấp thì sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của đồng coin đó.


    • Biến động giá: Lending coin được xếp chung vào hàng các đồng Altcoin. Phần lớn các Altcoin vẫn chịu sự ảnh hưởng từ biến động giá của Bitcoin, đặc biệt là các Lending coin vốn hoá thấp. Do đó, trước khi đầu tư, nắm giữ những đồng coin này bạn cần phải đánh giá mức độ rủi ro của nó.


    • Rủi ro kỹ thuật:  Do Lending coin hoạt động trên các nền tảng phi tập trung, người dùng phải tự chịu trách nhiệm bảo mật và quản lý ví của mình. Nếu ví bị hack, mất khóa riêng hoặc bị lỗi, người dùng có thể không thể truy cập hoặc khôi phục số tiền của mình. 


    • Rủi ro pháp lý: Do Lending coin là một loại tiền điện tử mới và chưa được quy định rõ ràng ở nhiều quốc gia, người dùng có thể gặp khó khăn trong việc tuân thủ các luật lệ và quy định liên quan đến thuế, giao dịch và báo cáo.


    5. Lịch sử phát triển của hình thức Lending coin

    Sự phát triển của Lending coin gắn liền với sự bùng nổ của thị trường DeFi. Trên thực tế nó “bê” nguyên một phần mô hình vận hành của ngân hàng truyền thống và ứng dụng vào công nghệ blockchain. Dựa vào chiều dài phát triển của hình thức này, chúng ta có thể nhận thấy hai giai đoạn chính như sau:


    Giai đoạn 1 

    Lending coin bắt đầu phát triển từ năm 2017, khi một số nền tảng giao dịch tiền điện tử như Bitfinex và Poloniex cho phép người dùng cho vay hoặc vay các đồng coin nhàn rỗi của họ để kiếm lãi suất. Đây là thời điểm các giao thức cho phép người dùng vay và nhận về tài sản là stablecoin tập trung. 


    Stablecoin hiểu đơn giản là các đồng tiền điện tử được niêm yết theo tỷ lệ 1:1 với đồng đô la Mỹ. Để sở hữu 1 stablecoin, người dùng cần phải có tài sản đối ứng tương đương với 1 đô la Mỹ. Bất cứ khi nào người dùng trả lại 1 stablecoin này thì họ sẽ nhận về 1 đô la Mỹ.


    MakerDAO là một ví dụ điển hình cho giai đoạn này. Thông qua nền tảng nó cho phép người dùng vay DAI stablecoin để chi tiêu trên các giao thức khác của DeFi. Việc kiểm soát quá trình vay và cho vay này sẽ dựa trên hợp đồng thông minh (smart contract) trên Ethereum.


    Giai đoạn 2

    Đây là thời điểm bắt đầu có sự xuất hiện của các Lending coin nhằm mang đến nhiều quyền lợi hơn cho người dùng. Compound là một trong những ví dụ như vậy. Người dùng, ngoài việc được thừa hưởng lãi suất như mọi hình thức khác, họ còn được khuyến khích gia tăng thực hiện các hoạt động vay và cho vay trên giao thức thông qua phần thưởng là COMP Lending coin. 


    Từ đó, thị trường DeFi bắt đầu nở rộ mô hình này và tung ra nhiều mô hình khác nhau như Yield Farming hay Liquidity Mining… để thu hút người dùng. 


    Có những thời điểm, tỷ lệ APY trên các giao thức này lên đến hàng ngàn phần trăm. Điều này đến từ việc phần thưởng cho người dùng từ giao thức là các Lending coin và bằng một cách nào đó (có thể là thao túng giá) khiến cho giá các Lending coin này tăng mạnh. Điều này đã khiến cho dòng tiền đổ mạnh vào DeFi cũng như lượng người dùng của các giao thức Lending tăng đột biến.


    Chúng ta không phủ nhận việc sử dụng các Lending coin đã giúp DeFi nói chung bùng nổ mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế sự bùng nổ đó thiếu tính bền vững. 


    Bằng chứng là khi giá các Lending coin mất dần thanh khoản và giảm mạnh, thị trường DeFi lại trở về trạng thái ảm đạm, TVL trên các giao thức Lending cũng sụt giảm tương ứng. Do đó, ở thời điểm hiện tại, DeFi đã và đang hướng đến một mô hình bền vững hơn được gọi là Real Yield.


    6. Lending coin phù hợp với những nhà giao dịch nào?

    Giống như các đồng tiền điện tử khác, bất kỳ ai cũng có thể giao dịch, lưu trữ Lending coin. Tuy nhiên, để phát huy một cách tối đa tiềm năng của nó, Lending coin sẽ đặc biệt phù hợp với những người thường xuyên có nhu cầu vay tiền điện tử.


    Hãy tưởng tượng, bạn sẽ làm gì nếu như đang nắm giữ trong tay một lượng Bitcoin nhưng lại muốn tham gia vào các giao thức DeFi khác. Bạn có thể bán lượng Bitcoin này để đổi lấy các loại tiền điện tử khác, ví dụ như DAI. 


    Tuy nhiên, trong trường hợp giá bán tại thời điểm đó thấp hơn giá bạn mua (tức là lỗ) thì việc bán Bitcoin có lẽ không phải là một giải pháp phù hợp. Với các giải pháp Lending, bạn có thể không cần phải bán Bitcoin mà vẫn có thể mượn được DAI cho mục đích của mình.


    Do đó, nếu bạn là một người thường xuyên thực hiện các giao dịch trên DeFi thì Lending coin có thể giúp bạn tối ưu hơn nhiều trong việc quản lý vốn cũng như tiết giảm chi phí. Số lượng giao dịch càng nhiều thì bạn sẽ càng thấy việc dùng Lending coin sẽ mang lại nhiều lợi ích.


    7. Lời kết

    Lending coin là một ngách nhỏ trong lĩnh vực tiền điện tử. Nó là chất xúc tác góp phần gia tăng sự phát triển của DeFi. Người dùng sở hữu Lending coin có thể có những ưu đãi đặc quyền khi sử dụng dịch vụ của giao thức hoặc gia tăng quyền quản trị cho những quyết định trong tương lai. 


    Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng Lending coin cũng tương tự như các loại tiền điện tử khác sẽ vẫn có nguy cơ là nạn nhân của các vụ thao túng giá hoặc lừa đảo như rug pull tức là khi một đội ngũ phát triển bất ngờ từ bỏ một dự án và bán hoặc rút toàn bộ thanh khoản của dự án... Do đó, hay nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi bạn bắt đầu đầu tư vào bất kỳ Lending coin nào nhé.


    ▌ Các bài liên quan đến [Lending coin]

    ! Cảnh báo rủi ro: Xin lưu ý rằng bất cứ hình thức đầu tư nào đều liên quan đến rủi ro, bao gồm rủi ro mất một phần hoặctoàn bộ vốn đầu tư. Bạn có thể nhấp vào Tuyên bố công bố rủi ro của Mitrade để tìm hiểu rõ hơn về rủi ro trong giao dịch.


    Trước khi đưa ra quyết định giao dịch, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản, nắm đầy đủ thông tin về xu hướng thị trường, biết rõ về rủi ro và chi phí tiềm ẩn, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.


    Ngoài ra, nội dung của bài viết này chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả, không nhất thiết có ý nghĩa tư vấn đầu tư. Nội dung của bài viết này chỉ mang tính tham khảo và độc giả không nên sử dụng bài viết này như bất kỳ cơ sở đầu tư nào. 


    Nhà đầu tư không nên sử dụng thông tin này để thay thế phán quyết độc lập hoặc chỉ đưa ra quyết định dựa trên thông tin này. Nó không cấu thành bất kỳ hoạt động giao dịch nào và cũng không đảm bảo bất kỳ lợi nhuận nào trong giao dịch. 


    Nếu bạn có thắc mắc gì về số liệu, thông tin, phần nội dung liên quan đến Mitrade trong bài, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email: insights@mitrade.com. Nhóm Mitrade sẽ kiểm duyệt lại nội dung một cách kỹ lưỡng để tiếp tục nâng cao chất lượng của bài viết.


    Ad